Việc đốt vàng mã hiện nay được thực hiện kiểu tranh nhau “hối lộ” cõi “âm”, dẫn tới đốt vô tội vạ, mặc kệ “hao tiền, tốn của”, mặc kệ ô nhiễm môi trường, hỏa hoạn…

 

Từ cuối năm cũ cho đến đầu năm mới, ấy là thời điểm mà đa số người Việt tốn khá nhiều thời gian cho lễ bái. Bắt đầu từ việc “trả lễ” tại các đền, chùa, miếu, phủ... rồi đến lễ tất niên, giao thừa, khai xuân, khai hạ, rằm tháng Giêng, các lễ hội đầu năm…

Đi kèm theo đó là bao nét đẹp văn hóa truyền thống được tiếp tục lưu giữ, truyền đời, nhưng cũng có điều tiêu cực phát sinh từ trong thực hành nghi lễ, nhất là việc lạm dụng đốt vàng mã.

Xin đừng… đốt của!

Dù đã tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhưng hằng năm, người dân tứ xứ đến đi lễ đền, chùa, miếu, phủ... vẫn mang theo rất nhiều hàng mã để đốt. Ảnh Lê Khánh Thành.

 

Việc đốt vàng mã hiện nay đang được thực hiện một cách tràn lan, “mạnh ai nấy làm”, khó kiểm soát nhất là vào mùa lễ hội. Tại các cơ sở thờ tự, các khu di tích lịch sử - văn hóa… vàng mã được “thập loại chúng sinh” mang đến đốt với đa dạng chủng loại - từ bình dân đến cao cấp, từ “kim ngân, minh y”, đến tiền polyme âm phủ, ti vi, tủ lạnh, nhà lầu, xe hơi, máy bay… Thậm chí có gia đình còn đốt cả hình nhân hầu gái gửi xuống âm ti, địa ngục!.

Xin đừng… đốt của!

Lạm dụng đốt vàng mã gây lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ hoả hoạn, ảnh hưởng xấu đến môi trường.

 

Đến với thế giới thần linh, thế giới người đã khuất, ai ai cũng muốn: “cầu lộc được lộc, cầu tài được tài, cầu bình yên đắc bình yên”, lại “phú quý sinh lễ nghĩa” nên thi nhau chứng minh cái “tâm” của mình… để rồi “con gà tức nhau tiếng gáy”, anh này mang đến cúng thần này “mâm cao cỗ đầy” thì chị nọ chả kém miếng, cũng phải trang bị cho thánh kia “từ chân đến đầu”… Kiểu tranh nhau “hối lộ” cõi “âm”, dẫn tới vàng mã được đốt vô tội vạ, mặc kệ “hao tiền, tốn của”, mặc kệ ô nhiễm môi trường, hỏa hoạn…

Người Việt nói chung, vốn có lối sống trọng “tình” (“bà con vì tổ vì tiên, không ai vì tiền vì gạo”, “sống vì mồ vì mả, không ai sống bằng cả bát cơm”…). Việc đốt vàng mã là một phong tục truyền thống, thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn của mỗi cộng đồng, gia đình, dòng họ, cá nhân người Việt Nam đối với tổ tiên, người có công đối với đất nước… Tuy nhiên, với việc lạm dụng đốt vàng mã như hiện nay không chỉ dẫn tới lãng phí một lượng tiền của lớn, gây ô nhiễm môi trường, hỏa hoạn mà còn tạo cơ hội cho mê tín dị đoan phát triển.

Thiết nghĩ, ngoài việc các địa phương, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, thì ngay ban quản lý các cơ sở thờ tự, di tích văn hóa - lịch sử cần có các quy định cụ thể về đốt vàng mã, đồng thời phải sát sao chỉ đạo thực hiện quy định, phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để có thể giảm dần tình trạng đốt vàng mã tràn lan, nhất là trong mùa lễ hội sắp tới.

 

Đan Phúc (theo BHT)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    Phát thanh
     Liên kết website
    Thống kê: 180.200
    Online: 84