Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi được thông qua ngày 13/11/2020 tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. Luật năm 2020 có nhiều điểm mới đáng chú ý như sau:

 

1. Về giải thích từ ngữ: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính đã sửa đổi phần giải thích từ ngữ đối với “tái phạm” theo hướng tách bạch giữa xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đồng thời bỏ quy định tính thời hạn tái phạm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cụ thể như sau: Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt, cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý   hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý  hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó.

2. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính: + Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần được chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng. + Quy định này đã khắc phục được vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 khi mà một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm thì có nơi xử phạt từng hành vi, có nơi xử phạt 1 hành vi rồi áp dụng tình tiết tăng nặng dẫn đến áp dụng pháp luật không thống nhất.

3. Về thẩm quyền quy định xử phạt: Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 đã bổ sung việc giao Chính phủ quy định về: Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc. Giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Trước đây chỉ có Chính phủ mới có thẩm quyền quy định về hành vi vi phạm và xử phạt.

4. Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính + Luật xử lý vi phạm hành chính 2020 quy định: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, và bổ sung trường hợp thời hiệu là 02 năm đối với vi phạm về Hóa đơn. +Sửa đổi quy định thời hiệu xử phạt 02 năm về thủ tục thuế thành: Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

5. Về những hành vi bị nghiêm cấm: + Luật sửa đổi năm 2020 đã sửa đổi,bổ sung hành vi bị nghiêm cấm là: Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng, áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, , không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.

+ Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm: Không theo dõi, đôn đốc,kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.

6. Phạt tiền ở các Thành phố trực thuộc Trung ương: Luật 2020 mở rộng thẩm quyền quyết định áp dụng khung tiền phạt và mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính ở Thành phố trực thuộc trung ương. Trước đây quy định:  Căn cứ vào hành vi, khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt được quy định tại nghị định của Chính phủ và yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội đặc thù của địa phương, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quyết định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này (áp dụng ở khu vụ nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương). Theo Luật 2020 thì HĐND thành phố trực thuộc trung ương có quyền quyết định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt cụ thể cho cả khu vực nội thành và ngoại thành.

7. Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính 2020 đã bổ sung và tăng mức phạt tiền tối đa trên một số lĩnh vực như: + Bổ sung mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đối ngoại là 300 triệu đồng; + Bổ sung mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động tố tụng là 400 triệu đồng; + Tăng mức phạt tiền trong lĩnh vực cơ yếu tối đa 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng…

8. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn: + Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chỉ quy định về thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép,chứng chỉ hành nghề có thời hạn nhưng không quy định nguyên tắc áp dụng. + Luật xử lý vi phạm hành chính 2020 bổ sung nguyên tắc áp dụng tước thời hạn giấy phép, chứng chỉ hành nghề như sau: Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề,đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung thời gian tước,đình chỉ được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thời thời gian tước, đình chỉ có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung thời gian tước,đình chỉ; nếu có tình tiết tăng nặng thì thời gian tước, đình chỉ có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung thời gian tước, đình chỉ.

9. Về giao quyền xử phạt: + Luật xử lý vi phạm hành chính quy định người có thẩm quyền xử phạt có quyền giao quyền cho cấp phó và việc giao quyền phải bằng quyết định (trước đây chỉ quy định bằng văn bản); bổ sung quy định đồng thời với việc giao quyền xử phạt thì giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm hành chính. Quy định về ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính. + Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác.

10. Về lập biên bản vi phạm hành chính: + Luật vi phạm hành chính 2020 đã quy định cụ thể địa điểm lập biên bản vi phạm hành chính là phải nơi xảy ra vi phạm hành chính . Trường hợp biên bản được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

(Hướng dẫn cách lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất). Trước đây, Luật 2012 không quy định lập biên bản ở đâu, đến khi Nghị định 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-Cp trong phần biểu mẫu biên bản vi phạm hành chính có hướng dẫn cách ghi biên bản là ở nơi xảy ra vi phạm hoặc trụ sở làm việc. + Về nội dung biên bản: Luật 2020 bổ sung quy định biên bản phải mô tả vụ việc, hành vi vi phạm; ghi rõ thời gian, địa điểm lập biên bản; thông tin về người lập biên bản…

Điểm mới của Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật xử lý vi phạm hành chính

+ Về đại diện chính quyền địa phương ký vào biên bản trong trường hợp người vi phạm không ký: Trước đây Luật 2012 chỉ nêu là đại diện chính quyền địa phương dẫn đến áp dụng không thống nhất, không rõ là cấp xã hay cấp huyện?; và quy định phải có ít nhất 02 người chứng kiến. Không quy định trường hợp chính quyền cơ sở và người chứng kiến không ký thì biên bản có giá trị pháp lý không?. Luật 2020 đã quy định cụ thể chính quyền cấp xã hoặc ít nhất 01 người chứng kiến, cụ thể như sau: Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức không ký vào biên bản vi phạm hành chính thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã  nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức không ký vào biên bản vi phạm hành chính ; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xác hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

+ Chuyển biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp không thuộc thẩm quyền của người lập biên bản: Luật đã quy định cụ thể trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, người lập biên bản phải chuyển biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt (trước đây chỉ quy định chuyển ngay, không ghi rõ thời gian là bao lâu).

+ Bổ sung quy định về sửa chữa sai sót biên bản vi phạm hành chính: Luật 2020 bổ sung quy định: Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung thì tiến hành xác minh tình tiết vi phạm.

Hướng dẫn cách ghi biên bản vi phạm hành chính: + Bổ sung quy định việc lập biên bản bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt , cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin. + Bổ sung quy định biên bản vi phạm hành chính là căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản.

11. Về giải trình vi phạm hành chính: Cơ bản Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 kế thừa Luật 2012, chỉ bổ sung quy định: Trường hợp cá nhân, tổ chức không yêu cầu giải trình nhưng trước khi hết thời hạn giải trình lại có yêu cầu giải trình thì người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm.

12. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: + Thời hạn ra quyết định xử phạt theo Luật 2012 là ngày, bao gồm cả thứ 7, chủ nhất, ngày nghỉ lễ, tết nên thời gian rất ngắn, gây khó khăn cho người xử phạt nhất là lập biên bản vào ngày cuối tuần, nghỉ lễ, tết. + Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã sửa đổi theo hướng từ tính ngày sang ngày làm việc và tăng thời hạn xử phạt đối với trường hợp phải chuyển hồ sơ, cụ thể: – Đối với trường hợp không thuộc giải trình, xác minh, nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp phải chuyển hồ sơ xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạ hành chính, trừ trường hợp hồ sơ do cơ quan tố tụng chuyển sang. – Đối với trường hợp giải trình, xác minh các tình tiết có liên quan thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính (kể cả ngày nghỉ, lễ, tết). – Đối với trường hợp giải trình, xác minh các tình tiết có liên quan mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần thêm thời gian xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính (kể cả ngày nghỉ, lễ, tết).

13.Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Luật 2020 quy định cụ thể thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định,quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả. Trước đây Luật 2012 quy định chỉ vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội. So với quy định Luật 2012 thì Luật 2020 quy định tất cả trường hợp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả vẫn phải thi hành.

14. Hoãn thi hành quyết định phạt tiền: Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định chỉ cá nhân bị phạt tiền từ 3 triệu đồng trở lên mới được hoãn, tổ chức không được hoãn thi hành quyết định phạt tiền. Luật sửa đổi 2020 đã sửa đổi, bổ sung thêm tổ chức được hoãn tiền phạt như sau: + Cá nhân bị phạt tiền từ 2.000000đ trở lên (giảm 1 triệu so với Luật 2012); tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000đ trở lên; + Bổ sung trường hợp cá nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn thì phải có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện trở lên. + Đối với tổ chức đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thì phải có xác nhận của UBND cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp  hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

15. Giảm, miễn tiền phạt: + Về giảm, miễn tiền phạt thì bên cạnh cá nhân, Luật 2020 bổ sung thêm đối tượng miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính là tổ chức. Quy định cụ thể các trường hợp cá nhân, tổ chức được miễn toàn bộ tiền xử phạt vi phạm hành chính. + Thẩm quyền xem xét giảm,miễn tiền phạt: Luật 2012 quy định cấp trên của người có thẩm quyền xử phạt quyết định miễn, giảm tiền phạt. Luật 2020 quy định người ra quyết định xử phạt quyết định việc miễn, giảm tiền phạt.

16. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Luật 2020 bên cạnh việc quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt áp dụng trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, thì còn bổ sung trường hợp cưỡng chế khi cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả Trong trường hợp khẩn cấp, cần khắc phục ngay hậu quả để kịp thời bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông thì cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ vi phạm hành chính tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả.

17.Giao quyền cưỡng chế: + Luật 2012 quy định việc giao quyền cưỡng chế cho cấp phó chỉ áp dụng trong trường hợp cấp trưởng vắng mặt. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 sửa đổi theo hướng được giao quyền cưỡng chế cho cấp phó thường xuyên, người được giao quyền không được giao quyền cho người khác. + Bổ sung thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế trong trường hợp quyết định xử phạt được chuyển cho cơ quan khác thi hành theo Điều 71, cụ thể: Người có thẩm quyền thuộc cơ quan tiếp nhận quyết định xử phạt để tổ chức thi hành quy định tại Điều 71 của Luật này ra quyết định cưỡng chế hoặc báo cáo cấp trên ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

18. Thi hành quyết định cưỡng chế: + Luật 2012 quy định quyết định cưỡng chế phải gửi ngay cho cá nhân, tổ chức vi phạm, gây khó khăn cho việc gửi quyết định cưỡng chế; Luật 2020 quy định thời hạn gửi là 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế thì quyết định phải được gửi cho cá nhân, tổ chức vi phạm. + Bổ sung quy định việc gửi quyết định cưỡng chế thực hiện như gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính. + Bổ sung quy định Quyết định cưỡng chế phải được thi hành ngay khi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế. Quy định này buộc cơ quan, người ban hành quyết định phải có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế, tuy nhiên khi thi hành sẽ gặp khó khăn vì không thể thi hành ngay được mà cần có thời gian chuẩn bị kế hoạch, phương án, lực lượng cưỡng chế. + Bổ sung quy định thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế đến khi chấm dứt hiệu lực thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (01 năm đối với hình phạt tiền); quá thời hạn này thì không thi hành quyết định cưỡng chế đó, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải cưỡng chế. + Quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc cung cấp thông tin, khấu trừ tài khoản đối với tổ chức, cá nhân vi phạm bị cưỡng chế, cụ thể như sau: Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành mở tài khoản có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền cưỡng chế; tiến hành phong tỏa số tiền trong tài khoản tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp hoặc phong tỏa toàn bộ số tiền trong tài khoản trong trường hợp số dư trong tài khoản tiền gửi ít hơn số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp; thực hiện việc trích chuyển số tiền phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. Trong thời hạn 05 ngày làm việc trước khi trích chuyển, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế biết việc trích chuyển; việc trích chuyển không cần sự đồng ý của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế

19. Thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: + Bổ sung quy định thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. + Bổ sung người có thẩm quyền và trình tự thủ tục lập biên bản tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm hành chính như sau:-  Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. – Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản,người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ. + Bổ sung quy định khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ phải niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, trừ trường hợp: động vật, thực vật tươi sống; hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng, khó bảo quản theo quy định của pháp luật. + Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ phải niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình người vi phạm, đại diện tổ chức hoặc đại diện chính quyền cấp xã hoặc ít nhất 01 người chứng kiến …

20. Bỏ quy định Trưởng Phòng Tư pháp thẩm định hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc: Theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì Phòng Tư pháp kiểm tra tính pháp lý đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ. Tuy nhiên, theo Luật mới thì đã bỏ thủ tục này mà thay vào đó là  Cơ quan lập hồ sơ đề nghị phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị.

TH.(Theo Thư viện PL)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    Phát thanh
     Liên kết website
    Thống kê: 180.507
    Online: 3