Hương Sơn nghĩa là núi thơm. Tên gọi thật hợp với cảnh quan của xứ sở này, bởi địa hình Hương Sơn núi đồi chiếm hơn 80% diện tích. Hương Sơn nằm về phía Tây bắc Hà Tĩnh, Bắc và Đông bắc giáp huyện Thanh Chương và Nam Đàn (Nghệ An), Nam giáp huyện Hương Khê và phía Đông giáp huyện Đức Thọ, Tây giáp nước bạn Lào.
Ngược dòng lịch sử núi thơm
Theo các nhà địa phương học thì tên huyện Hương Sơn mới có từ năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 đời Lê Thánh Tông (1469). Bấy giờ, Hương Sơn (bao gồm cả Hương Khê và một số xã ở Đức Thọ ngày nay) là một trong 6 huyện thuộc phủ Đức Quang Thừa, tuyên Nghệ An, gồm 10 tổng, 57 xã, thôn.
Ngược dòng lịch sử thì đây là đất huyện Dương Toại, quận Cửu Đức, đời Tân Võ đế (265-290) tách lập huyện Phố Dương, đời Đường (618-907) là châu Phúc Lộc, thời tự chủ. Dưới triều Lý - Trần (thế kỷ XI-XIV) là Đỗ Gia, thời thuộc Minh (1407-1427) chia thành 2 huyện Cổ Đỗ và Thổ Hoàng, đầu đời Lê lại nhập làm một với tên huyện Đỗ Gia cho đến năm 1469.
Đời Nguyễn, năm Đinh Mùi niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867), triều đình cắt 5 tổng phía Nam đặt làm huyện Hương Khê. Hương Sơn còn lại 5 tổng: Đỗ Xá, Yên Ấp, Hữu Bằng, Dương Ốc, Đồng Công. Năm 1889, đời Thành Thái, huyện Hương Sơn có 7 tổng: Đỗ Xá, Yên Ấp, Hữu Bằng, Dĩ Ốc, Thượng Bồng, Đồng Công, Du Đồng. Đến đời Duy Tân thì Đồng Công và Du Đồng được chuyển về Đức Thọ, huyện Hương Sơn còn lại 5 tổng gồm 50 xã, thôn. Dưới triều Nguyễn, Hương Sơn vẫn là một huyện thuộc phủ Đức Thọ (Đức Quang cũ). Sau Cách mạng tháng Tám, các xã thuộc tổng thượng Đức Bồng cũ và xã Ân Phú (thuộc tổng Dĩ Ốc cũ) được sáp nhập về Đức Thọ. Hiện tại, Hương Sơn có 32 xã và 2 thị trấn: Phố Châu và Tây Sơn.
Theo một số gia phả của người xưa để lại thì đất Hương Sơn là đất lành nên nhiều tướng võ, văn thần lên đây dựng nghiệp. Thời thuộc Minh đầu thế kỷ XV, cha con Trạng nguyên Sử Hy Nhan từ Bình Lãng Thượng lên ẩn ở vùng Kẻ Tàng, chiêu dân lập ấp, dựng nên xã Trại Đầu (Ân Phú) và nhiều thôn nay thuộc xã Sơn Long, Sơn Trà. Thái bảo Nguyễn Đúc Ly - con trai công thần khai quốc nhà Lê, Nguyễn Lội từ Thanh Hóa về Đỗ Gia khoảng 1470-1480, lập lên làng Bảo Thịnh, xã Dương Trai (Sơn Bình). Tổ họ Đinh Nho ở Gôi Mỹ là Đinh Phúc Diên, gốc Ninh Bình về đây từ năm 1530. Họ Tống Trần ở Gôi Mỹ lại là con cháu Tiến sĩ Tống Tất Thắng ở Nghệ An dời sang. Lập lên thôn xóm ở Thịnh Xá là Hà Huy Quang từ Thanh Hóa vào.
Đến đây còn có Nguyễn Khắc Kinh, quê gốc Hà Đông vào Thanh, Nghệ, về sau, con cháu còn xuống ở làng Gôi Mỹ. Đào Quang Oánh - con trai Đào Quang Nhiêu, trấn thủ tại Nghệ An (gốc Hà Đông) về Hương Sơn dựng nghiệp thế kỷ XVII, là thủy tổ các chi họ Đào Mân Xá, Hữu Bằng, Phố Châu... Còn danh y Lê Hữu Trác, quê Hải Dương thì về Tịnh Diệm (Sơn Quang) quê mẹ vào năm 1746. Trước đó, đời Trần, các công thần nhà Lê là Lê Bôi, Phan Đán cũng về Đỗ Gia sau đó mới xuống ở vùng Thực Ấp, Quyết Viết (La Sơn). Cho tới đầu thế kỷ XX, Nguyễn Điền (Yên Ấp) Hồ Tấn (Phúc Dương) tiếp tục khai khẩn lập các thôn Yên Đức, Cẩm Lĩnh, Điền Trang, Bàu Thượng, Phúc Tuy.
Hương Sơn không chỉ là đất dụng võ của các bậc hiền tài mà còn là đất phát võ. Đến nay, không ít sử sách vẫn nhắc dòng họ Đinh Văn ở Lạc Phố (Sơn Châu) tiếng tăm lẫy lừng thiên hạ với 3 quận công gồm: Văn Đình Nhiệm, Văn Đình Dần và Văn Đình Úc. Phải thừa nhận rằng, Hương Sơn có đất dụng võ bao nhiêu thì lại có một truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao bấy nhiêu.
Từ xa xưa, các gia đình quan lại, trí thức, nho sĩ vừa cùng nông dân tổ chức khai khẩn đất đai, vừa truyền bá văn hóa và dạy chữ cho dân. Từ thế kỷ XV-XVII đã xuất hiện những làng học nổi tiếng như: Yên Ấp, Dương Trai, Hữu Bằng. Đời Lê có 6 vị đỗ tiến sĩ: Nguyễn Kính Hải ở Tân Ốc đỗ khai khoa (1478), Nguyễn Tử Trọng ở Yên Ấp (1502), Nguyễn Văn Lễ ở Dương Trai (1650), Đinh Nho Công ở Yên Ấp (1670), Nguyễn Thủ Xứng ở Dương Trai (1683), Đinh Nho Hoàn ở Yên Ấp (1700). Vào đời nhà Lê có 4 người đỗ hương cống thì 3 người ở làng Hữu Bằng và 1 người ở Yên Ấp. Đời Nguyễn có 5 vị đậu tiến sĩ: Đinh Nho Điền (1875), Nguyễn Khắc Niêm (1907), Nguyễn Xuân Đán (1918) và 2 vị đậu phó bảng: Nguyễn Quán (1868), Lê Kinh Thiền (1913) và 49 vị đỗ cử nhân.
Đất và rừng Hương Sơn
Dải Trường Sơn giống như cung đàn xanh chạy dọc biên giới Việt - Lào, phía Tây là dãy Giăng Màn, nhiều ngọn núi có độ cao như Bà Mụ (1.367m), động Giăng Màn (931m) và rú Bành (646m) thuộc xã Sơn Kim. Càng đi về phía Đông, các ngọn núi càng thấp dần với độ cao không quá 400m. Vùng miền hạ Hương Sơn có dãy núi Thiên Nhẫn và dãy Đại Hàm với ngọn núi Mồng Gà nhô lên cao chót vót trên địa phận xã Sơn Bình.
Người Hương Sơn rất tự hào khi từ miền thượng tới miền hạ du có con sông Ngàn Phố đẹp như trong chuyện cổ tích. “Một dòng sông xanh chảy mãi tới vô cùng” ấy đã từng gây ra biết bao trận cuồng phong, bão tố, lũ quét nhưng cũng bồi trúc cho đôi bờ phù sa màu mỡ, cây cối sum suê. Mùa hạ, mít, trám, bưởi đầy vườn; mùa đông cam vàng đỏ chợ.Nhắc tới Hương Sơn là nhắc tới tiềm năng rừng, rừng Hương Sơn không chỉ là kho báu vàng xanh mà còn là địa chỉ xanh về du lịch sinh thái cho những ai đam mê khám phá sự kỳ ngộ của miền sơn cước. Hương Sơn được trời đất kiến tạo cho những thảm thực vật và động vật vô cùng phong phú. Từ hàng triệu năm nay, những cánh rừng nguyên sinh đã sinh tồn và phát triển nhiều gỗ quý như: trắc, sến, pơ-mu, lim, dỗi, vàng tâm... cùng các loài chim, thú như công, trĩ, voi, hổ, trăn hoa.
Sông Ngàn Phố bắt nguồn từ dãy Trường Sơn nơi biên giới Việt - Lào, nhận nước của nhiều khe suối, của các con rào Nước Sốt, Rào Mắc, Rào Bống, Rào Qua đổ vào sông Con đi qua nhiều làng xã với chiều dài hơn 69 km và nhập vào ngã ba bến Tam Soa xuôi về sông La. Con sông Ngàn Phố qua nhiều biến cố lịch sử vẫn thủy chung và ân nghĩa với người, che chở, cưu mang mỗi số phận, mỗi cuộc đời trong sự mưu sinh. Với dân vạn đò, sông Ngàn Phố là nguồn tôm, cá hàng ngày cho họ tung chài thả lưới; với người quen giao thương buôn bán từ Hương Sơn ra tận TP Vinh thì sông Ngàn Phố chính là “hệ thống đường thủy quan trọng” của hàng trăm năm trước.
Theo một số học giả nghiên cứu về lịch sử đất và người Hương Sơn thì “từ xa xưa, Hương Sơn đã có thế mạnh về rừng tự nhiên và rừng trồng, diện tích đất để trồng cây công nghiệp và đồi cỏ để chăn nuôi đại gia súc khá lớn. Nhà Nguyễn đã từng lập đồn điền ở trại Giàm. Thời thuộc Pháp, ở Hương Sơn có rất nhiều đồn điền lớn: đồn Phe Rây ở Sông Con, Booc-đê ở Hà Tân, Cu Đúc ở Voi Bổ. Những đồn điền này đều được Pháp khai khẩn hàng trăm ha để trồng cà phê, đay và chăn nuôi trâu, bò. Ngoài trâu, bò, hươu nai được thuần hóa lâu đời và thịnh hành thì một món ẩm thực rất được ưa chuộng là loài cá mát ở các khe đá thượng nguồn. Cho đến thế kỷ XXI, Hương Sơn đã được nhiều du khách quốc tế biết đến với 2 thế mạnh là chăn nuôi và trồng trọt. Cây chè Hương Sơn đã trở thành “vành đai quy hoạch xanh” tại các vùng Tây - Kim - Lĩnh. Vùng Sơn Kim đã trở thành những “làng chè công nhân của Xí nghiệp Chè Tây Sơn” và “làng chè Tổng đội TNXP Tây Sơn”. Hàng năm, những làng chè này đã xuất khẩu ra nước ngoài hàng trăm tấn chè búp khô, tạo ra lợi nhuận đáng kể về kim ngạch xuất khẩu.
Hương Sơn có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư. Con người nơi đây không chỉ cần cù trong lao động mà còn rất thông minh, sáng tạo, có truyền thống hiếu học, trọng thầy, yêu chữ và yêu quê hương, đất nước. Hương Sơn có nhiều đền thờ, địa danh lịch sử, danh nhân nổi tiếng là minh chứng hùng hồn cho vùng đất tụ nghĩa, luôn được nhân dân ngưỡng vọng và tri ân.