1. Truyền thống yêu nước, chống xâm lăng
Trải qua hơn 500 năm lịch sử, ngoài việc chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, xây dựng cuộc sống, nhân dân Sơn Ninh còn đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực cùng với nhân dân cả nước chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất
nước. Những trang sử hào hùng của dân tộc cho chúng ta biết sự hi sinh và đóng góp to lớn của nhân dân Ninh xá xưa, nay là xã Sơn Ninh vào những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm trong lịch sử, như chống giặc minh dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, Nguyễn Trãi…, là một xã nằm ở phía bờ bắc sông Ngàn Phố, trên đường thượng đạo xưa, là một khu đồn trại giữa vùng đồi núi thấp: các núi cồn dài, Bạch tượng phía tây; núi Đồn, núi Cốt, phía Nam; núi Tháp, núi Bút phía đông bắc; núi chuối (tiêu sơn) phía bắc. Nghĩa quân tận dụng địa hình đồi núi, đắp thêm những đoạn lũy tạo thành một khu doanh trại phòng ngự khá lớn. Hiện còn dấu vết nhiều đoạn lũy ở núi cốt, núi Đồn, núi Chuối, cánh Đồng chài, lại có một cánh đồng khác gọi là “đất lũy”, gần đó có khu đất cao rộng chừng hai sào, tương truyền là “tàu voi”, nơi nuôi voi chiến. có thể khu đồn lũy này do Nguyễn Tuấn Thiện chỉ huy. Đến thời kỳ cận hiện đại, tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Sơn Ninh lại càng được nhân lên gấp bội, nhất là giai đoạn thực dân Pháp xâm lược nước ta. Hưởng ứng chiếu cần vương của vua Hàm Nghi và cuộc khởi nghĩa của cụ Phan Đình Phùng, rất nhiều thanh niên trai tráng của xã Sơn Ninh đã hăng hái tham gia nghĩa quân giết giặc cứu nước tiêu biểu như hai cha con Phạm Đôn, Phạm Vinh (Yên Bài); Hoàng Ngôn, Nguyễn Thệ, Nguyễn Quý, Nguyễn Phúc, võ Liên, Phan Thận Tíu, Hoàng Hảo (Phúc Nghĩa); Nguyễn Trương, Nguyễn Trọng Hiệp, Nguyễn Lê Bích…có người làm đến cấp chỉ huy trong nghĩa quân như Phan Thận Tíu (Đốc Thận), Nguyễn Lê Bích (lãnh binh), cha con Phạm Đôn (Hiệp Quản). Phong trào cần vương thất bại đã chấm dứt con đường giải phóng dân tộc của ý thức hệ phong kiến. Bước sang những năm đầu thế kỷ xx, ở nước ta xuất hiện nhiều cuộc đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản. tiêu biểu nhất là phong trào “Đông du” của Phan Bội Châu và “duy tân” của Phan Châu Trinh. Phong trào yêu nước của nhân dân Hương Sơn nói chung, nhân dân Sơn Ninh nói riêng đã mang sắc thái mới theo khuynh hướng dân chủ tư sản, góp phần khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân tạo điều kiện thuận lợi cho một số bộ phận những người yêu nước tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê Nin trong những năm 20 của thế kỷ này. Kế thừa truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần quật khởi của cha ông và ý thức làm chủ vận mệnh cao nhất đối với mảnh đất quê hương trong suốt chiều dài lịch sử, biết bao lớp người trên dải đất Sơn Ninh đã một lòng đi theo Đảng, vừa lao động sản xuất, vừa tham gia đóng góp sức người, sức của cho 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế Quốc mỹ xâm lược. Ngày nay, những người con quê hương Sơn Ninh đang ra sức thi đua lao động sản xuất, tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, không ngừng gìn giữ, xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
2. Truyền thống hiếu học:
Sơn Ninh là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, những người con được sinh ra nơi đây luôn cần, kiệm, biết vươn lên, vượt khó, học giỏi. kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, ngày nay, nhiều người con của Sơn Ninh có học vấn, đức độ và tài năng đã tham gia trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, ngoại giao, quân sự, văn hóa... có hang trăm người tốt nghiệp đại học, kỹ sư, bác sỹ đang công tác ở khắp mọi miền của đất nước, giữ những chức vụ chủ chốt trong lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tiêu biểu có GS.TS. Nguyễn Hữu Dư nguyên là chủ tịch Hội toán học Việt Nam, hiện là Giám đốc điều hành viện nghiên cứu cao cấp về toán; PGS. tS. Nguyễn Hữu Ngự (là anh trai GS.TS. Nguyễn Hữu Dư) nguyên là chủ nhiệm bộ môn tin học thuộc trường Đại học khoa học tự nhiên,
ĐHQG Hà Nội; tiến sĩ Đào Mạnh Tiến (sinh năm 1948) - tiến sĩ ngành địa chất, tổng cục địa chất; Phó tiến sỹ Nguyễn Quang Long - nguyên Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học tài chính (1972-1981), nguyên viện trưởng viện nghiên cứu khoa học tài chính kiêm tổng biên tập tạp chí tài chính; tiến sỹ Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương; thiếu tướng Phạm Xuân Thuyết - Tư lệnh quân đoàn 4; đồng chí Nguyễn Quốc Lập - tỉnh Ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn. Có thể nói, những nét văn hóa truyền thống của nhân dân Sơn Ninh tuy trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn giữ được nhiều giá trị nhân văn. Trong quá trình sinh sống, mối quan hệ gắn bó của người dân Sơn Ninh ngày càng thêm thắm thiết, tạo nên truyền thống yêu thương, đùm bọc, chia sẻ, nhường cơm sẻ áo, xây dựng tình đoàn kết cùng nhau thi đua lao động, xây dựng quê hương. Chính những truyền thống đó tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc, tạo nên sức mạnh để chống lại giặc ngoại xâm, đặc biệt là qua hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc mỹ. Đó cũng là truyền thống quý báu để Đảng bộ và nhân dân Sơn Ninh phát huy trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương theo đường lối CNH - HĐH, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.